Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Đảo Cô tô càng ở càng mê


Đảo Cô tô càng ở càng mê
Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ như Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên. Ở bãi Tàu Đắm, nếu gặp may, bạn sẽ được xem màn trình diễn ngoạn mục của những đàn cá đối.
Đầu hè năm ngoái chúng tôi đã đi du lịch đảo Cô tô 3 ngày (Vân Đồn, Quảng Ninh), nhưng chưa “đã”. Nên năm nay, chúng tôi đi Cô Tô lần nữa.
Đảo này chào đón chúng tôi thật ngọt ngào. Các chị chủ cửa hàng ăn và tạp phẩm quanh nhà nghỉ của huyện (cho đến khi mấy nhà nghỉ tư nhân xuất hiện hồi đầu năm nay thì đây là nhà nghỉ duy nhất của đảo) lập tức nhận ra khiến chúng tôi cảm thấy mình thật bảnh choẹ giữa những người khách mới đổ lên đảo. Thậm chí chị Huệ còn giúp tôi nhớ lại, năm ngoái tôi là người bị bỏng nắng nặng nhất trong đoàn, một “sự cố” mà thực tình tôi đã quên. 
Cô Tô khác thật rồi, nhưng theo một cách thật đáng yêu - chúng tôi nhận ra điều đó vào sáng hôm sau, khi thuê xe đạp đi dạo. Đã có thêm những con đường bê-tông mới, sạch sẽ, chắc chắn, và hẳn chưa nhiều người qua lại vì có những đoạn lau lách thoải mái vươn ra tận lề đường. Ở Cô Tô, chưa đường nào được đặt tên, trừ con đường gạch đỏ dài khoảng 2 km nằm giữa hai hàng phi lao sát biển, mà cũng chỉ là đặt tên miệng. Đường Tình Yêu. Người dân đảo bảo thế. Năm ngoái còn dở dang một đoạn, năm nay đã hoàn chỉnh, đường Tình Yêu là nơi dân phượt ưa hạ trại.
Khá nhiều du khách cũng chọn xe đạp làm phương tiện đi lại vì sẽ rất vô duyên nếu phá vỡ sự tĩnh lặng của thiên nhiên nơi đây bằng tiếng nổ của động cơ xe máy hay phi vù qua những cánh đồng lúa thơm ngát, nơi những chú trâu béo mượt chậm rãi gặm cỏ trong khi dăm chú cò trắng muốt liệng lờ xung quanh. Không khí trong lành khiến ta đạp xe không biết mệt và coi khinh mọi con dốc (một bác dân đảo đùa rằng: “Chúng tôi chỉ có một bệnh viện, nhưng sắp phá đi để xây thứ khác rồi”).
Nhìn những đôi bạn trẻ chở nhau bằng xe, chàng gò lưng đạp, còn nàng ngồi sau giương ô, chợt thấy cuộc sống là một thứ gì đó thật… điệu đàng. Cũng nhờ đạp xe lòng vòng khắp nơi mà chúng tôi gặp Nguyệt, cô bé lớp 11 rất dễ thương, tình nguyện làm hướng dẫn cho chúng tôi vì “em được nghỉ học một tuần, chả biết làm gì cả”. Em kể, đảo hiện mới có một cô giáo là người dân gốc, và ước mơ của em là trở thành cô giáo “gốc” thứ hai.
Hầu hết các con đường ở Cô Tô đều dẫn đến biển. Bãi biển đông đúc nhất (tức là có khoảng chừng mươi người tắm cùng lúc), cũng chính là bãi biển dọc theo đường Tình Yêu. Đi bộ thì hơi xa, nhưng nếu chịu khó đạp xe trên cát một đoạn để ra tít cuối bãi, ta sẽ được hưởng thứ nước biển tinh khiết. Người dân đảo gọi đây là bãi Tàu Đắm, mà không giải thích tại sao tàu lại có thể đắm ở một nơi mà sóng chỉ lớn hơn một chút so với sóng hồ bơi. Ở bãi Tàu Đắm, nếu gặp may, bạn sẽ được xem màn trình diễn ngoạn mục của những đàn cá đối - chúng có thể bất ngờ xuất hiện ngay trước mắt bạn bằng những cú nhảy cầu vồng lên khỏi mặt nước đến nửa mét.
Cô Tô còn vài bãi biển khác như Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên, mà đẹp nhất chắc chắn là Hồng Vàn - một bể bơi khổng lồ ngoài trời - khó có thể dùng từ nào khác để mô tả nó. Bãi cát trắng được nối tiếp bởi làn nước phẳng như mặt gương và trong như vắt tới đáy ngay cả ở độ sâu 2m. Nhưng các chàng trai Cô Tô thì chỉ thích tắm ở Bắc Vàn, nơi họ có thể nhảy từ cầu cảng xuống biển để bơi ra xa hoặc lặn xem các rặng đá phía dưới làn nước biếc. Còn hai bãi Vòm Si và Vụng Ông Viên, du khách thường chỉ đến để ngắm những vỉa núi có hình thù cổ quái hoặc đi nhặt ốc đá và đập hà. Nước biển ở Cô Tô mặn, sóng lặng, nên không cần vận động, người cũng tự nổi. Chúng tôi rất thích trò này, nằm thư giãn trên mặt nước cả giờ đồng hồ.  
Sau khi đã tiêu phí hết sức lực vào việc đạp xe, bơi lội, chạy nhảy, du khách lại tụ cả về khu gần nhà nghỉ của huyện để ăn uống trong nhà hàng lớn nhất và rẻ nhất đảo của chị Thanh (mỗi suất ăn trưa hoặc tối no nê hải sản cũng không quá 100.000 đồng một người). Đừng ngạc nhiên nếu bữa nào bạn thấy mình cũng gọi món gỏi sứa - một đặc sản và cũng là mặt hàng làm giàu cho đảo. Mỗi năm, mùa sứa chỉ kéo dài nhiều nhất 20 ngày.
Phía bắc đảo có cả một khu lán sứa sáng đèn suốt đêm, vì sứa đánh về phải chế biến ngay, nếu không sẽ hỏng. Năm trước, chúng tôi đến thăm lán sứa trong đêm, xem ngư dân chuyển những con sứa trắng muốt, to bằng chiếc mâm từ tàu lên bờ và xem những cô gái đảo dùng dao cắt sứa ngọt lịm như cắt vào nước. Sứa Cô Tô ăn giòn, mát và có mùi vị không giống bất kỳ thứ hải sản nào khác, nghe nói rất tốt cho đường ruột. Mặt hàng này làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Lúc cao điểm, công nhân lán sứa có thể kiếm 600.000 mỗi ngày. Nhưng đó là chuyện của năm ngoái. Anh bạn chủ sứa chủ năm nay gặp lại nét mặt buồn hẳn vì đầu ra phía Trung Quốc đang chững lại, rất có thể do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Cũng ở khu vực gần nhà nghỉ của huyện, du khách dễ dàng thuê được xe đạp, xe máy (với cái giá phải nói không hề rẻ: xe đạp 50.000 đồng một ngày, xe máy 150.000 đồng một ngày, nhưng thái độ thân thiện của dân đảo khiến bạn thấy đó chỉ là chuyện nhỏ); hoặc mua trăm thứ bà rằn ở cửa hàng của chị Huệ, nơi nếu là khách lần thứ hai, bạn sẽ được miễn phí nhiều món lặt vặt, được ghi nợ nếu chẳng may quên ví, hoặc được cho mượn gấp một chiếc mũ đội đầu.
Lý do sẽ quay lại
Điểm cao nhất mà từ đó có thể quan sát toàn bộ hòn đảo hơn 5.000 dân nằm ngoài khơi Quảng Ninh này là ngọn hải đăng trên đỉnh núi. Đường lên hải đăng, nằm giữa hai vạt rừng, cũng là một trong những con đường đẹp nhất đảo. Năm nay, không thấy bóng chiếc taxi duy nhất của đảo đâu nữa, chúng tôi lên hải đăng bằng xe máy, lại có dịp khám phá con đường rừng này theo một cách khác.
Ngọn hải đăng ngày càng có dáng dấp một điểm đến không thể bỏ qua. Khách kéo đến khá đông, có bàn ghế khảm trai lịch sự để ngồi nghỉ chân, lại được phục vụ cả đĩa hình. Cầu thang lên hải đăng đã được xây mới hoàn toàn bằng đá ốp, vững chãi và dễ đi, thay cho cầu thang gỗ hơi ọp ẹp hồi năm ngoái. Từ ngọn hải đăng nhìn ra xa, có thể thấy đảo Cô Tô bé và Thanh Lân, hai hòn đảo nghe nói có những bãi tắm cát vàng rất thần tiên mà chúng tôi chưa có dịp đến. Nhưng đấy chẳng phải là lý do chúng tôi sẽ còn trở lại Cô Tô lần nữa sao?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét